• 0973.344.828 -
  • aloha.edu.vn@gmail.com

Thơ Haiku Nhật Bản là gì? Khám phá loại thơ Hai Cư về thiên nhiên

Thơ Haiku là gì? Nguồn gốc và đặc điểm của thơ Hai Cư như thế nào? Hiện nay nếu nhắc đến thơ ca truyền thống Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến Haiku. Bởi lẽ đây là một thể thơ rất Nhật Bản, là linh hồn văn hóa của đất nước mặt trời mọc.

Vậy sau đây hãy cùng Du học Aloha khám phá về thể loại thơ này nhé!

Thơ Haiku là gì

Haiku là gì?

Haiku (tiếng Nhật: 俳句, âm Hán Việt: Bài cú) là loại thơ độc đáo của Nhật Bản, xuất phát từ ba câu đầu (発句 hokku, phát cú) của những bài renga (連歌 liên ca) có tính trào phúng gọi là renga no haikai (連歌の俳諧) mà sau gọi là haikai (俳諧 bài hài).

Haiku là sự dung hợp và kết tinh của nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người phương Đông nói chung và người Nhật nói riêng. Thể thơ ngắn nhất thế giới này được coi là tinh hoa của thơ ca và văn học Nhật Bản – nền văn học tôn thờ thiên nhiên và cái đẹp.

Nguồn gốc thơ Haiku

Thơ Haiku được cho là xuất phát từ Tanka (đoản ca), thể thơ tiêu biểu nhất của Waka – tên gọi chung của thơ viết bằng tiếng Nhật để phân biệt với Hán thi (về sau, người ta dùng từ Tanka đồng nhất với Waka).

Mỗi bài thơ theo thể Tanka có 31 âm tiết, chia thành 5 dòng theo nhịp phách 5-7-5-7-7. Từ thế kỷ 14 đến 15, khi Tanka bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, trên thi đàn Nhật Bản xuất hiện thể Renga (liên ca) – cũng có nhịp phách như Tanka nhưng tách thành hai phần 5-7-5 và 7-7 rõ rệt và không hạn chế về số lượng câu.

Renga vốn dĩ là trò chơi nối thơ của các thi sĩ Tanka. Trong bài Renga liên hoàn, khổ đầu được gọi là hokku (phát cú) và quy chiếu theo mùa trong năm. Đến thế kỷ 16, trò chơi nối thơ rất được công chúng yêu thơ xứ Phù Tang ưa chuộng, vì vậy Renga ngày càng trở nên phổ biến và bình dân hơn, thậm chí được làm với mục đích trào phúng.

Phần đầu Hokku của một bài Renga chính là tiền thân của thơ Haiku. Tuy nhiên, thuật ngữ Haiku (đọc theo âm Hán Việt là bài cú hay hài cú) không phải xuất hiện từ thời thịnh thế của thể thơ này mà ra đời vào năm 1890 theo đề xướng của nhà thơ Masaoka Shiki (1867-1902) dùng để chỉ những bài thơ ngắn gồm 3 câu, 17 âm tiết đứng độc lập được bố trí theo thứ tự 5-7-5.

Mặc dù khó có thể xác định chính xác thời điểm ra đời của Haiku, song thể thơ Nhật Bản độc đáo này rất thịnh hành vào thế kỉ 17 và phát triển mạnh trong thời Edo (1603 – 1867). Lúc bấy giờ, Haiku đã dần mất đi sắc thái hóm hỉnh, trào lộng nguyên thủy và thay vào đó là âm hưởng bàng bạc, sâu thẳm của Thiền tông.

Thơ Haiku là gì

Luật thơ Haiku

Cùng khám phá nội dung và niệm luật thơ Haiku cơ bản như sau:

Nội dung thơ Haiku

Về nội dung Haiku có luật cơ bản là không đả động đến cảm xúc mà chủ yếu chỉ ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ giới hạn trong 17 âm tiết nên thơ haiku thường chỉ diễn tả được một sự kiện diễn ra nhãn tiền ngay tức thì.

Tuy là một sự việc nhưng haiku lại lồng hai ý tưởng bất ngờ lại với nhau.

Ôi những hạt sương (sự kiện hiện tại)

Trân châu từng hạt (ý tưởng thứ 1)

Hiện hình cố hương (ý tưởng thứ 2)

Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là bốn mùa của thiên nhiên và tính tương quan giữa hai ý tưởng.

Trong thơ bắt buộc phải có kigo (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa màng một cách gián tiếp. Trong bài không thì không nói rõ xuân, hạ, thu, đông nhưng sẽ nhắc đến hoa anh đào, lá úa vàng, tuyết phủ trắng…

Ngoài ra bài thơ sẽ liên kết một hình ảnh bao la của vũ trụ ăn khớp với một hình ảnh bé nhỏ của đời thường.

Tiếng ve kêu râm ran (tiếng ve kêu chỉ mùa hạ)

Như tan vào trong than trong đá

Ôi, sao tĩnh lặng quá!

Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả vì có hình sắc, có âm thanh mà cảm xúc thì không bộc bạch.

Cỏ hoang trong đồng ruộng

Dẫy xong bỏ tại chỗ

Phân bón!

Dù không nói ra nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.

Thế giới này như giọt sương kia

Có lẽ là một giọt sương

Tuy nhiên, tuy nhiên…

Thơ có khuynh hướng gợi ý hay ám chỉ gián tiếp nhẹ nhàng qua hai hình ảnh tương phản: một là trừu tượng sống động và linh hoạt, một là cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.

Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)

Một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)

Khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)

Nhà thơ không giải thích hay luận về sự liên kết giữa hai hình ảnh này, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên của nó. Người làm thơ phải tự đặt mình như một đứa trẻ lúc nào cũng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng khi tiếp xúc lần đầu tiên với ngoại giới.

Một bài thơ haiku hay là làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc, tế nhị, để tự nó khơi lại trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc để người đọc tự suy diễn, cảm nhận.

Chim vân tước bay

Thở ra sương gió

Dẫm lướt từng mây

Thơ có âm hưởng như một bài kệ, sàn lọc từng chữ, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính cái đang là – “đương hạ tức thị”. Nó nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nảy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau.

Một diễn tiến trước mắt khiến ta liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó trong một kinh nghiệm sống của riêng mình. Kỹ xảo của haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc.

Kết quả là nó phá bỏ ngăn cách giữa thi sĩ và độc giả để cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.

Thơ Haiku

Niêm luật cơ bản của Haiku cổ điển

Trong thơ haiku cổ điển bắt buộc phải có kigo (季語, quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả một mùa nào đó trong năm. Từ này có thể trực tiếp chỉ mùa (mùa Xuân, mùa Thu…) hay gián tiếp thông qua các hình ảnh, loài hoa, loài cây cỏ động vật, hoạt động, lễ hội… mang đặc trưng của một mùa trong năm.

Một bài haiku thường chỉ “gợi” chứ không “tả”, và kết thúc thường không có gì rõ ràng, vậy nên hình ảnh và cảm nhận sau khi đọc thơ hoàn toàn phụ thuộc người đọc.

Mỗi bài haiku thông thường có cấu trúc âm tiết 5 + 7 + 5 trong ba câu. Tuy nhiên, ngay cả tổ sư của haiku Matsuo Basho cũng đôi khi sử dụng ít hơn hoặc nhiều hơn số âm tiết đã nói trên; chẳng hạn bài thơ sau đây có 19 âm tiết:

Kareeda ni (5 âm) / Trên cành khô

Karasu no tomarikeri (9 âm) / Quạ đậu

Aki no kure (5 âm) / Chiều thu

 

Đặc điểm thú vị về thơ Haiku

Dòng thơ Haiku có đặc điểm khá thú vị như

Thể thơ ngắn nhất thế giới

Chỉ với vỏn vẹn 17 âm tiết gói gọn trong 3 câu thơ, Haiku được xem là thể thơ ngắn nhất thế giới. Trong nguyên bản tiếng Nhật, 17 âm tiết được viết thành một dòng nhưng khi phiên âm sang Romaji (hệ thống ký tự Latin) thường được ngắt thành 3 dòng theo phách 5-7-5.

Sự xuất hiện của quý ngữ – yếu tố chỉ mùa

Trong thơ Haiku, thiên nhiên, mùa màng là đề tài thường được nhắc đến nhiều nhất và được gọi là kidai (quý đề). Nhưng làm sao có thể vẽ nên bức tranh thiên nhiên rộng lớn với những âm thanh màu sắc đặc trưng của mùa, dưới một hình thức thơ ngắn gọn, cô đọng chỉ giới hạn trong 17 âm tiết?

Để làm được điều đó, mỗi bài thơ Haiku bắt buộc phải có kigo (quý ngữ) – những từ hoặc cụm từ liên quan đến một mùa. Thơ Haiku hiếm khi nói rõ xuân, hạ, thu, đông thế nhưng độc giả vẫn có thể cảm nhận và hiểu được mùa nào đang được nhắc đến qua những hình ảnh biểu trưng như hoa anh đào, hoa mẫu đơn, lá vàng, tuyết trắng…

Chẳng hạn trong bài thơ dưới đây của tác giả Basho, hình ảnh mùa xuân xứ Phù Tang hiện lên đầy chân thực qua khung cảnh người người tụ tập dưới tán cây anh đào để thưởng ngoạn vẻ đẹp mê đắm lòng người của những bông hoa mỏng manh:

Trong khúc quạt xòe

nâng chén rượu

hoa anh đào rơi

(Matsuo Basho)

Thơ Haiku

Cảm thức thẩm mỹ trong thơ Haiku

Khi đọc thơ Haiku thì người đọc se có những cảm thức như:

Cảm thức Wabi (đơn sơ)

Người Nhật đặc biệt ưa chuộng vẻ đẹp đơn sơ, bình dị, mộc mạc của cảnh vật xung quanh, cái đẹp ẩn tàng trong những hình thức tưởng chừng như không có gì đặc sắc.

Wabi chính là sự cảm nghiệm về trạng thái thanh bần an lạc, dung dị nhưng thanh cao của cuộc sống con người và sự vật. Đó chính là một cảm giác im lặng, thư thái, trong sạch mà các ẩn sĩ luôn muốn đi tìm.

Cảm thức Sabi (tịch liêu)

Sabi là một khái niệm thẩm mỹ trong thế giới quan của văn hoá Nhật Bản, là cảm thức về sự tĩnh mịch sâu xa của sự vật. Sự cô đơn ở Sabi là “niềm cô đơn huy hoàng”, là cảm thức hùng tráng chứ không phải nỗi cô đơn cá nhân, không mang tính bị lụy.

Cảm thức Sabi

Cảm thức Yugen (u huyền, bí ẩn)

Từ cảm thức Sabi đi vào cảm thức Yugen là một hành trình mang tính tiếp nối. Yugen có nghĩa là bí ẩn. Những gì không thể hiển hiện trong từ ngữ cũng như không thể nhìn thấy rõ được bằng mắt, thế giới thẩm mỹ mà con người có thể cảm nhận được bằng giác quan chính là Yugen. Yungen là sự mơ hồ về nhận thức, bắt buộc con người phải suy ngẫm, đốn ngộ.

Từ cái nhìn sâu thẳm về một sự vật huyền diệu nào đó trong khoảnh khắc, khiến cho tâm hồn ta xao xuyến ngất ngây, khát khao hòa nhập vào. Nó đem tâm hồn ta chìm đắm trong thế giới mênh mang, lãng đãng, u huyền.

Cảm thức Aware (bi cảm)

Aware là niềm bi cảm, xao xuyến rung động trước cảnh sinh ly tử biệt hay vẻ đẹp não lòng, chóng vánh có tác động đến tâm thức. Aware mang hàm nghĩa đau thương, nỗi buồn thấm đượm cảm thức vô thường.

“Tứ trụ” thơ Haiku vĩ đại nhất

Khi nói về thơ Haiku Nhật Bản, không thể không nhắc đến bốn nhà thơ được xem là những bậc thầy của loại hình nghệ thuật này: Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa và Masaoka Shiki.

Trong đó, nhà thơ Matsuo Basho có lẽ quen thuộc với độc giả Việt Nam hơn cả vì những thi phẩm của ông đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa ngữ văn lớp 10.

Matsuo Basho

Là một thiền sư thi sĩ lỗi lạc có thể nói là danh tiếng nhất của thời Edo, Matsuo Basho (1644 – 1694) tên thật là Matsuo Munefusa, sinh ra trong một gia đình võ sĩ cấp thấp dưới thời Tokugawa (1603 – 1858). Lúc mới ra đời, ông được đặt tên là Matsuo Kinsaku, còn Basho là bút danh, có nghĩa là cây chuối trong tiếng Nhật.

Nhà thơ Matsuo Basho được thừa nhận là người phát triển những câu đầu (phát cú) của thể renga (liên ca) có tính hài hước gọi là Renga no Haikai thành một thể thơ độc lập mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền đạo. Về sau, Masaoka Shiki hoàn thiện sự tách biệt này thêm nữa và chuyển sang gọi nó là thể Haiku (bài cú hay hài cú). Tác phẩm của ông không chỉ nổi tiếng trong phạm vi Nhật Bản mà còn có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Basho cũng được phong thần trong nhiều ngôi đền thờ Thần đạo, thậm chí có đền còn lấy tên theo một câu thơ của ông.

Matsuo Basho

Yosa Buson

Yosa Buson (1716-1784), được biết đến là thi sĩ và họa sĩ nổi tiếng trong thời kỳ Edo. Nhà thơ có tên thật là Tainiguchi Buson, quê ở làng Kema, tỉnh Settu, ngoại ô thành Osaka. Năm 1937, ông chuyển lên Edo để học vẽ và làm thơ, chính trong thời gian này Buson có cơ hội tiếp thu tinh hoa của thể thơ Haiku truyền thống.

Được xem là người tiếp nối Matsuo Basho, Buson có công đầu trong việc vực dậy thể thơ Haiku khỏi sự suy đồi sau khi nhà thơ này tạ thế, bên cạnh đó ông còn thổi vào Haiku một luồng gió mới, đó là những yếu tố lãng mạn mà trong thơ Basho còn thiếu.

Kobayashi Issa

Kobayashi Issa (1763 – 1828) tên thật là Kobayashi Nobuyuki, là con trai trưởng trong một gia đình nông dân ở làng Kashihara, tỉnh Nagano. Mồ côi mẹ khi mới 3 tuổi, Issa trải qua tuổi thơ thiếu thốn tình thương, thậm chí cảm thấy bị ghẻ lạnh trong chính ngôi nhà của mình vì vậy cuộc sống của ông dường như luôn cô đơn, lạc lõng.

Từ năm 1787, ông lấy bút là Issa và bắt đầu sáng tác thi ca trên tinh thần phục hưng phong cách tao nhã của Basho. So với các bậc tiền bối, Issa không mực thước như Basho, không cách tân ấn tượng như Buson. Thay vào đó, ở Issa, người ta bắt gặp những vần thơ chất chứa những nỗi buồn, u uất, bi ai; đem đến những cái nhìn về trần thế, về cuộc đời và những nỗi lo lắng về tương lai.

Kobayashi Issa

Masaoka Shiki

Masaoka Shiki (1867-1902) tên thật là Masaoka Tsunenori, sinh ra tại Matsuyama, Iyo (tỉnh Ehime ngày nay) trong một gia đình võ sĩ đạo. Có mẹ là con gái của một học giả theo tư tưởng Khổng giáo, ngay từ khi còn nhỏ Shiki đã được tiếp cận với học thuyết của Mạnh Tử dưới sự kèm cập của ông ngoại.

Về sự nghiệp văn chương, Masaoka Shiki được ghi nhận là một trong tứ đại thụ của thể thơ Haiku Nhật Bản trước thời hiện đại, cùng với các nhà thơ Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa. Ông cũng là một trong những nhà tiên phong trong công cuộc cách tân thơ Haiku trong thời kỳ cận đại. Thơ Haiku của Shiki có sự mới mẻ về cả hình thức cấu trúc lẫn nội dung.

Một số bài thơ Haiku hay nhất

Sau đây là những bài thơ Haiku hay và nổi tiếng nhất được Du học Aloha tổng hợp như:

1.

Bỏ lên chiếc quạt nhỏ

Từ Phú Sĩ gửi đi ngọn gió

Một chút quà Edo

(Matsuo Basho)

2.

Ao cũ.

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao

(Matsuo Basho)

3.

Tiếng chuông chùa lặng im

Mùi hương hoa còn đọng bên thềm

Buông xuống dần màn đêm

(Matsuo Basho)

4.

Sau tuần trà buổi sáng

Trong lòng vị tăng thật yên ắng

Ngoài sân hoa cúc vàng

(Matsuo Basho)

5.

Nghiên mực

pha sương hoa cúc

nhận hồn đời

(Yosa Buson)

6.

Gần xa đâu đây

nghe tiếng thác chảy

lá non tràn đầy

(Yosa Buson)

7.

Con sên nhỏ

Hãy leo lên đỉnh Phú Sĩ

Nhưng chậm thôi, chậm thôi

(Kobayashi Issa)

8.

Yên tĩnh…

Sâu dưới đáy hồ

Một núi mây

(Kobayashi Issa)

9.

Hãy đến đây

Chơi với tôi

Chim sẻ mồ côi

(Kobayashi Issa)

10.

Cây chất chồng

ánh hừng đông

len vào ô cửa nhỏ

(Masaoka Shiki)

11.

Một mảnh trăng tròn

bên trời đầy sao

xanh thẳm

(Masaoka Shiki)

Thơ Haiku tự do

Thơ Haiku tự do Nhật Bản khởi đầu từ Hekigoto Kawahigashi (1873-1937) và sau đó được tiếp nối bởi Seisensui Ogiwara (1884-1976), Hosai Ozaki (1885-1926), và Santoka Taneda (1882-1940)… Đặc trưng của trường phái này là không cần đến quý ngữ và không câu nệ vào hình

thức 5/7/5 như thơ Haiku truyền thống. Hosai Ozaki có thể được xem là nhà thơ thành công nhất của trường phái thơ Haiku tự do với nhiều thi phẩm được đánh giá là đặc sắc khó quên.

Sự phát triển của thơ Haiku ở Việt Nam

Mặc dù du nhập vào Việt Nam khá muộn so với thơ Đường của Trung Quốc hay thơ Sonnet của Châu Âu, nhưng hiện nay thơ Haiku lại có nhiều hoạt động sôi nổi nhất.Tiếp nhận thơ Haiku ở nước ta không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, dịch và nghiên cứu mà còn bao gồm cả hoạt động sáng tác.

Những năm qua, thể thơ độc đáo từ xứ Phù Tang đã trở thành món ăn tinh thần của công chúng yêu thơ Việt Nam, các âu lạc bộ và cuộc thi sáng tác thơ Haiku cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm thẩm mỹ, cảm thức về thiên nhiên và con người, thơ Haiku do người Việt sáng tác không chỉ kế thừa những đặc điểm của thể loại gốc mà còn có sự phát triển đầy sáng tạo, phá cách.

Trên đây là một số thông tin về Thơ Haiku là gì Du học Aloha muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về dòng thơ Hai Cư mà Việt Nam thường gọi

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các thông tin khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!

Có thể bạn quan tâm:

© Copyright 2023 Aloha