• 0973.344.828 -
  • aloha.edu.vn@gmail.com

Bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana đầy đủ: Cách học và viết

Bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana đầy đủ như nào? Các viết và học ra sao? Với các bạn đang tìm hiểu học tiếng Nhật thì bảng chữ cái Hiragana và Katakana là bước đầu trong phần chinh phục tiếng Nhật sơ cấp (N5)

Tuy nhiên, hiện tại nên bạn vẫn chưa nắm được mặt chữ và chưa  biết cách học bảng chữ cái để có thể vừa học nhanh mà vẫn vừa có thể nhớ lâu thì cùng Du học Aloha tìm hiểu qua nội dung sau nhé!

Bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana

Bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana

Bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana bao gồm nguyên âm và nguyên âm đôi cùng cách đọc như sau:

Nguyên âm Nguyên âm đôi
あ a い i う u え e お o (ya) (yu) (yo)
か ka き ki く ku け ke こ ko きゃ kya きゅ kyu きょ kyo
さ sa し shi す su せ se そ so しゃ sha しゅ shu しょ sho
た ta ち chi つ tsu て te と to ちゃ cha ちゅ chu ちょ cho
な na に ni ぬ nu ね ne の no にゃ nya にゅ nyu にょ nyo
は ha ひ hi ふ fu へ he ほ ho ひゃ hya ひゅ hyu ひょ hyo
ま ma み mi む mu め me も mo みゃ mya みゅ myu みょ myo
ら ra り ri る ru れ re ろ ro りゃ rya りゅ ryu りょ ryo
ら゚ la り゚ li る゚ lu れ゚ le ろ゚ lo
や ya ゆ yu よ yo
わ wa ゐ wi ゑ we を wo
ん n
が ga ぎ gi ぐ gu げ ge ご go ぎゃ gya ぎゅ gyu ぎょ gyo
ざ za じ ji ず zu ぜ ze ぞ zo じゃ ja じゅ ju じょ jo
だ da ぢ (ji) づ (zu) で de ど do ぢゃ (ja) ぢゅ (ju) ぢょ (jo)
ば ba び bi ぶ bu べ be ぼ bo びゃ bya びゅ byu びょ byo
ぱ pa ぴ pi ぷ pu ぺ pe ぽ po ぴゃ pya ぴゅ pyu ぴょ pyo

>>>Bạn có thể tải file bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana và cách viết đầy đủ nhất tại: https://www.nhk.or.jp/lesson/vi/pdf/textbook_kana_all.pdf

Bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana bắt nguồn từ đâu?

Hiragana được phát triển lên từ hệ thống Manyougana (万葉仮名), tức là những chữ Hán dùng để ký âm trong tiếng Nhật. Có thể nói rằng Hiragana được bắt nguồn từ chính chữ Hán (kanji). Tuy nhiên khi mới được tạo ra, chữ Hiragana đã vấp phải sự phản đối của nhiều người thời bấy giờ: họ cho rằng giới thượng lưu chỉ nên học chữ Hán.

Nam giới thời đó thường chuộng lối viết cứng cáp mạnh mẽ, khác hẳn với kiểu chữ uyển chuyển mềm mại của Hiragana. Dù bị khinh rẻ nhưng chữ Hiragana dần trở nên phổ biến trong nữ giới và bắt đầu được sử dụng trong các tác phẩm do phụ nữ sáng tác. Tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới, Genji Monogatari (Truyện kể Genji) cũng được viết bằng chữ Hiragana.

Theo dòng chảy lịch sử, Hiragana dần được người Nhật đón nhận và sử dụng rộng rãi. Trước đây mỗi âm tiết đều cần đến nhiều hơn một chữ Hiragana để ký âm. Nhưng kể từ sau năm 1900, hệ thống chữ Hiragana đã được giản lược hóa để gần gũi với người học hơn như bây giờ

Bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana và cách viết

Hiragana là một thành phần của hệ thống chữ viết tiếng Nhật, song hành cùng với chữ katakana và kanji (Hán tự). Bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana đầy đủ sẽ bao gồm 48 chữ cái, nhưng hiện tại hai chữ ゐ và ゑ đã được lược bớt chỉ còn 46 chữ cái, được chia ra theo 5 nguyên âm chính

Bảng chữ cái Hiragana còn được gọi là bảng chữ mềm bởi các chữ cái trong đó chứa nhiều nét cong và mềm mại. Thực tế thì nhờ vào điều này mà vào thời Heian, chữ Hiragana từng rất được phái đẹp ưa chuộng.

Ngày nay thì học sinh Nhật Bản đều được dạy về thứ tự các nét bút khi bắt đầu học viết. Phương pháp tập viết bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana này không những đẩy nhanh tốc độ ghi mà còn giảm lực tác động lên cổ tay, giúp người Nhật đỡ bị mỏi khi phải viết nhiều.

Bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana

Cách đọc bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana chuẩn

Tiếng Việt và tiếng Nhật có nhiều nét tương đồng về âm tiết, vậy nên bạn sẽ không gặp nhiều rắc rối khi phát âm bảng chữ cái Hiragana. Tuy vậy vẫn có một lưu ý cần nhớ như sau:

  • Các chữ thuộc cột U (う, く, す, ぬ,…) sẽ không phát âm là U, mà là Ư (ư, cư, sư, nư,.…)
  • Các chữ thuộc cột E (え, け, せ, て,…) sẽ không phát âm là E, mà là Ê (ê, cê, sê, tê,.…)
  • Các chữ thuộc cột O (お, こ, そ, と,…) sẽ không phát âm là O, mà là Ô (ô, cô, sô, tô,.…)
  • Chữ Shi (し) đọc là Si (s nặng)
  • Chữ Fu (ふ) đọc là Phư nhưng không được để răng trên chạm môi dưới
  • Chữ Tsu (つ) đọc bằng cách lai giữa từ Sư (trong tiếng Việt) và Two (trong tiếng Anh)
  • Chữ O (お) và Wo (を) cùng đọc là Ô

Những quy tắc trên trông có vẻ nhiều, nhưng thực ra khi bắt đầu học bảng chữ cái Hiragana kết hợp với đọc, nói và viết, bạn sẽ nhanh chóng tạo thành thói quen khi phát âm tiếng Nhật.

Ngoài ra, các chữ cái trong bảng Hiragana còn có 4 cách kết hợp mà Aloha xin chia sẻ ngay sau đây:

Âm đục

Âm đục xuất hiện khi thêm các dấu ゛(dấu huyền/tenten) và ゜(dấu tròn/maru) vào bên cạnh một số chữ nhất định. Nhờ vào phương pháp này mà bảng chữ cái Hiragana được mở rộng với nhiều âm tiết hơn.

Ví dụ chữ “か” (ka) sẽ trở thành “が” (ga) khi thêm dấu huyền, chữ “は” (ha) sẽ trở thành “ぱ” (pa) khi thêm dấu tròn.

Âm ngắt

Trong tiếng Nhật, âm ngắt của Hiragana được gọi là “sokuon” và được biểu thị bằng một chữ Tsu nhỏ (っ) nằm giữa từ.

Âm ngắt không có âm thanh riêng mà chỉ để biểu thị rằng khi phát âm, chữ nằm trước っ sẽ dính âm với chữ nằm sau っ.

Cụ thể:

  • きって không đọc là ki-tê hay ki-tsu-tê, mà đọc là kit-tê (romaji: kitte)
  • きっぷ không đọc là ki-pư hay ki-tsu-pư, mà đọc là kip-pư (romaji: kippu)
  • Tương tự, けっこん sẽ đọc là cek-côn (romaji: kekkon)

Hiểu đơn giản là bạn cần nhân đôi chữ cái đứng sau っ nhỏ và đọc dính nó với từ đằng trước. Âm ngắt thường có xu hướng đọc thêm dấu nặng nên hãy luyện nói một chút khi học nhé.

Âm ghép

Người Nhật sử dụng 3 chữ や (ya), ゆ (yu), よ (yo) để ghép với những chữ cái khác trong bảng chữ cái Hiragana, từ đó tạo thành các âm tiết mới

Trường âm

Trường âm là các âm được kéo dài khi nói, thường là dài gấp đôi bình thường. Hãy chú ý điều này bởi những từ có và không có trường âm sẽ mang nghĩa khác nhau.

Ví dụ ゆき (yuki) nghĩa là tuyết, nhưng ゆうき (yuuki – trường âm ở chữ yu) lại mang nghĩa là dũng cảm.

Bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana

Lưu ý quan trọng khi học

Bây giờ bạn đã nắm rõ lộ trình học tập, nhưng nếu không biết cách học thuộc bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana thật khoa học thì cũng không thể nhớ sâu và chắc được. Hãy cùng note những lưu ý này vào nhé:

Luôn tự kiểm tra sau mỗi 5 chữ

Ví dụ nếu vừa luyện xong 5 chữ cái đầu (あ, い, う, え, お), bạn nên dành ra vài phút để kiểm tra lại các chữ theo thứ tự ngẫu nhiên xem mình đã nắm chắc chưa trước khi chuyển sang 5 chữ tiếp theo.

Luôn dành thời gian ôn luyện mỗi cuối buổi

Việc này thực ra đơn giản nhưng rất quan trọng. Các bước ôn luyện cuối buổi gồm có:

  • Viết phiên âm latinh (romaji) của những chữ vừa mới học theo một thứ tự bất kỳ (ví dụ: ka se so a u ko)
  • Tưởng tượng hình dáng các chữ cái đấy trong đầu
  • Viết ra giấy (ví dụ: かせそあうこ)
  • Kiểm tra kết quả, lặp lại

Đây cũng là cách luyện phản xạ hiệu quả để có thể đọc ngay khi nhìn thấy mặt chữ. Hãy luôn dành thời gian mỗi cuối buổi để ôn luyện lại nhé!

Kiên trì và liền mạch

Ban đầu, việc nhớ từng ký tự Hiragana có thể khiến bạn thấy khó khăn. Tuy vậy, bằng cách dành thời gian mỗi ngày để luyện tập và lặp đi lặp lại, bạn sẽ cảm thấy sự liền mạch trong việc ghi nhớ.

Khi đã bắt đầu quen thuộc với một số chữ cái, bạn sẽ có động lực mạnh mẽ để tiếp tục học và ghi nhớ hoàn thiện bảng chữ cái Hiragana. Hãy cố gắng kiên trì nhé.

Cách học bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana trong 5 ngày

Sau đây Du học Aloha sẽ đồng hành cùng các bạn học thuộc bảng chữ cái tiếng nhật Hiragana trong 5 ngày thông qua lộ trình sau:

Ngày 1 + 2: Học 46 chữ cái Hiragana cơ bản

Trong thời gian này chúng ta sẽ thực hiện:

Học thuộc 46 chữ cái Hiragana

Bảng chữ cái Hiragana được tạo thành bởi các nét uốn lượn và mềm mại nên còn có cách gọi khác là bảng chữ mềm. Về phát âm, các âm trong tiếng Nhật được xây dựng nên từ 5 nguyên âm cơ bản: a, i, u, e, o và một âm mũi /n/.

Chúng ta sẽ học bảng chữ cái Hiragana theo từng hàng ngang với các bước như sau:

  • Bước 1: Ghi nhớ mặt chữ. Hãy liên tưởng hình dáng các chữ cái thành các sự vật xung quanh mình để dễ nhớ hơn.
  • Bước 2: Kết hợp vừa nhìn chữ cái, vừa nghe audio phát âm của chữ và nhại lại theo. Hãy nghe và nhắc lại thật nhiều lần cho đến khi bạn phát âm giống hệt như audio.
  • Bước 3: Chỉ tay vào chữ cái và tự đọc to. Song song với việc kiểm tra xem bạn đã nhớ đúng cách đọc chữ cái chưa thì cần kiểm tra cả cách phát âm của bạn có chuẩn không. Cách dễ nhất là tự ghi âm lại phần mình đọc và so sánh nó với bản audio.
  • Bước 4: Tập viết từng chữ cái đúng thứ tự các nét. Viết đi viết lại nhiều lần để mặt chữ in sâu vào tâm trí bạn.
  • Bước 5: Ôn tập lại thường xuyên bằng Flashcard. Bạn có thể tự tạo các tấm thẻ nhỏ, một mặt ghi chữ cái Hiragana, mặt còn lại ghi cách đọc của chữ cái đó. Mang bộ Flashcard này theo bên mình và ôn tập bất cứ khi nào rảnh rỗi là cách tuyệt vời để nhớ lâu hơn.

Các điểm cần lưu ý khi học thuộc

Một số điểm khi học thuộc bạn cần lưu ý như:

  • Về cách phát âm:
    • Hai chữ し (shi) và つ (tsu) có cách phát âm đặc biệt:
    • Với chữ し (shi), khi phát âm ta khép hai răng lại và bật hơi.
    • Với chữ つ (tsu) khi phát âm thì khép hai răng lại, đưa lưỡi chạm vào hàm trên và bật hơi ra, chú ý tránh nhầm với chữ す (su)
    • Chữ ふ (fu): Mặc dù được phiên âm là fu nhưng lại nằm trong hàng ha. Để phát âm chính xác hãy thử tưởng tượng như mình đang thổi nến, khẩu hình như đọc chữ “hu” nhưng phát âm là “fu” nhé.
    • Hàng や ゆ よ (ya – yu – yo): Có một số bạn có xu hướng phát âm thành da du do theo kiểu tiếng Việt. Nhưng thực chất cách đọc các chữ này giống như đọc nhanh của [i-a] [i-u] và [i-o].
  • Về cách đọc, viết: Các cặp chữ sau thường gây nhầm lẫn cho người mới bắt đọc học khi đọc, viết:「あ」và「お」; 「い」và「り」;「き」và「さ」;「ぬ」và「め」;「ね」「れ」và「わ」. Vì vậy, hãy luyện tập các chữ này thật nhiều nhé.

Ngày 3: Học âm đục, âm bán đục và âm ghép

Quy trình học từng âm này như sau:

Âm đục và Âm bán đục

Từ những chữ cái cơ bản, người Nhật đã mở rộng bảng chữ cái của mình bằng cách thêm dấu vào một số hàng. Cụ thể:

  • Âm đục: Thêm dấu「〃」(gọi là tenten) vào phía trên bên phải các chữ cái hàng KA, SA, TA và HA.
  • Âm bán đục: Thêm dấu「○」(gọi là maru) vào phía trên bên phải các chữ cái của hàng HA.
Hàng Âm đục và âm bán đục
か、き、く、け、こ が、ぎ、ぐ、げ、ご (ga, gi, gu, ge, go)
さ、し、す、せ、そ ざ、じ、ず、ぜ、ぞ (za, ji, zu, ze, zo)
た、ち、つ、て、と だ、ぢ、づ、で、ど (da, dzi, dzu, de, do)
は、ひ、ふ、へ、ほ ば、び、ぶ、べ、ぼ (ba, bi, bu, be, bo) ぱ、ぴ、ぷ、ぺ、ぽ (pa, pi, pu, pe, po)

Cần lưu ý: Chữ ぢ (ji) và づ (zu) có cách phát âm giống hệt じ (ji) và ず (zu), tuy nhiên trong tiếng Nhật, từ vựng có chứa các chữ này không nhiều. Chủ yếu sử dụng じ (ji) và ず (zu).

Âm ghép

Âm ghép được tạo bởi 2 chữ cái ghép lại với nhau. Trong bảng chữ cái của Nhật người ta sử dụng 3 chữ cái ya (や)、yu (ゆ)、yo(よ)ghép vào các chữ cái thuộc cột i ( trừ chữ い ) để tạo thành âm ghép.

Chữ ya, yu, yo cần phải viết nhỏ hơn , hoặc bằng 1/2 chữ cái đầu thuộc cột i đứng trước nó.

Cách đọc : Không đọc tách biệt 2 chữ cái, mà đọc liền với nhau kết hợp 2 chữ cái thành một âm.

Ví dụ:

  • きゃ đọc là kya , không đọc là ki ya
  • ひょ đọc là hyo, không đọc là hi yo
きゃkya きゅkyu きょkyo
しゃsha しゅshu しょsho
ちゃchya ちゅchyu ちょchyo
にゃnya にゅnyu にょnyo
ひゃhya ひゅhyu ひょhyo
みゃmya みゅmyu みょmyo
りゃrya りゅryu りょryo
ぎゃgya ぎゅgyu ぎょgyo
じゃjya じゅjyu じょjyo
びゃbya びゅbyu びょbyo
ぴゃpya ぴゅpyu ぴょpyo

Cần lưu ý: Với các chữ しゃ (sha)、しゅ (shu)、しょ (sho)、ちゃ (cha)、ちゅ (chu)、ちょ (cho)、じゃ (ja)、じゅ (ju)、じょ (jo) khi phát âm sẽ phải bật hơi.

Ngày 4: Học âm ngắt và trường âm

Cách học âm ngắt và trường âm như sau:

Âm ngắt

Âm ngắt là những âm có âm っ- tsu nhỏ nối giữa 2 phụ âm với nhau để tạo một từ có nghĩa. Quy tắc đọc/ phiên âm khi gặp các chữ có âm ngắt là gấp đôi phụ âm ngay đằng sau âm ngắt (chỉ gấp đôi phụ âm ngay sau nó mà không phiên âm っ- tsu).

Ví dụ:

  • ざっし (zasshi): tạp chí
  • にっぽん(nippon): nhật bản
  • いっかい:/ikkai/
  • いっぷん:/ippun/
  • いっしょに:/isshoni/
  • きって:/kitte/

Trường âm

Người ta dùng 5 nguyên âm: あ、い、う、え、お (a, i, ư, ê, ô) trong tiếng Nhật để tạo trường âm. Trường âm là âm kéo dài, khi đọc lên ta sẽ đọc kéo dài gấp đôi âm bình thường. (Ví dụ: A thì bằng 1/2 giây. AA thì sẽ đọc nhân đôi thành 1 giây.)

  • Hàng あ có trường âm là /aa/: cột a + あ: おかあさん (okaasan): mẹ ( người khác).
  • Hàng い có trường âm là /ii/: cột i + い: おにいさん (oniisan): anh trai ( người khác).
  • Hàng う có trường âm là /uu/: cột u + う: くうき (kuuko): không khí.
  • Hàng え có trường âm là /ee/: cột e + え hoặc /ei/: cột e + い
    • おねえさん (oneesan: chị gái ( người khác).
    • せんせい (sensei): thầy, cô giáo.
  • Hàng お có trường âm là /oo/: cột o + お hoặc /ou/: cột o +う
    • とおか (tooka): ngày mùng 10; 10 ngày.
    • おとうさん (otousan): bố ( người khác).

Ngày 5: Luyện tập

Sau khi đã học tất tần tật về bảng chữ cái Hiragana, ngày cuối cùng sẽ là lúc chúng ta ôn tập lại tổng quát những gì đã học.

Bạn có thể tải các game để luyện tập học nghe đi nghe lại bảng chữ cái nhiều lần

Một số cách biến âm cơ bản trong tiếng Nhật

Dưới đây là một số quy tắc biến âm trong tiếng Nhật mà bạn nên biết như:

1. Từ ghép hay từ lặp: Hàng “ha” (ha hi fu he ho) thành hàng “ba” (ba bi bu be bo) vốn là âm đục của hàng “ha”.

は ひ ふ へ ほ → ば び ぶ べ ぼ

Các bạn có thể thấy là âm đục có cách viết y nguyên chỉ thêm vào dấu nháy ký hiệu.

Ví dụ: 日 hi + 日 hi = 日々 hibi (ngày ngày)

2. Hàng “ka” thì thành hàng “ga”

か き く け こ → が ぎ ぐ げ ご

Ví dụ: 近頃 chika + koro = chikagoro (dạo này)

3. Hàng “sa” thành hàng “za”

さ し す せ そ → ざ じ ず ぜ ぞ

Ví dụ:

  • 矢印 ya (mũi tên) + shirushi (dấu) = yajirushi
  • 中島 naka + shima = nakajima (tên người)

4. Hàng “ka” mà được tiếp nối bởi một âm hàng “ka” tiếp thì biến thành âm lặp (tsu nhỏ)

Ví dụ: 国旗 (quốc kỳ) koku + ki = kokki (こっき) chứ không thành kokuki (こくき)

5. Hàng “ha” mà đi theo sau chữ “tsu” つ thì chữ “tsu” biến thành âm lặp (tsu nhỏ) còn hàng “ha” sẽ thành hàng “pa”

は ひ ふ へ ほ → ぱ ぴ ぷ ぺ ぽ

Ví dụ:

  • 活発(かつ+はつ)=かっぱつ, (katsu + hatsu = kappatsu) hoạt bát
  • Hàng “ha” mà đi sau âm lặp (chữ “tsu” nhỏ = “っ”) thì thành hàng “pa”
  • Ví dụ: つけっぱなし

6. Hàng “ka” mà đi sau “n” (ん) thì thành hàng “ga”

Ví dụ: 賃金=ちんぎん

7. Hàng “ha” đi sau “n” (ん) thì thường thành hàng “pa” (phần lớn) hoặc hàng “ba” (ít hơn)

Ví dụ: 根本=こんぽん, kon + hon = kompon (căn bản)

8. Âm “n” (ん) ở ngay trước hàng “pa” hay hàng “ba” hay hàng “ma” thì phải đọc là “m” thay vì “n”

Ví dụ:

  • 根本=こんぽん kompon
  • 日本橋=にほんばし nihombashi
  • あんまり ammari
  • がんばって gambatte

Trên đây là một số thông tin về Bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana Du học Aloha muốn chia sẻ với các bạn. Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các nắm được bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana đầy đủ để luyện tập

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về các thông tin khác thì hãy đón đọc những bài viết mới của chúng tôi nhé!

Có thể bạn quan tâm:

© Copyright 2023 Aloha