Cộng hòa Weimar: Đất nước dân chủ đầu tiên của Đức 1918
Cộng hòa Weimar là đất nước nào? Đó có lẽ là điều mà nhiều người thăc mắc bởi đây là một giai đoạn lịch sử khá đặc thù của đất nước Đức trước thời Hitler.
Vậy nền dân chủ này có gì? Sau đây hãy cùng Du học Aloha khám phá về cộng hòa Weimar nhé!
Giới thiệu cộng hòa Weimar
Cộng hòa Weimar (tiếng Đức: Weimarer Republik) là tên sử gia gọi chính phủ và nhà nước Đức trong khoảng thời gian từ ngày 9 tháng 11 năm 1918 trong cuộc Cách mạng tháng 11, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đến khi Đạo luật Ủy quyền có hiệu lực vào ngày 23 tháng 3 năm 1933.
Đây là lần đầu tiên nước Đức có một thể chế dân chủ lập hiến, bắt đầu từ ngày 9 tháng 11 năm 1918 nên nó cũng có tên gọi không chính thức là Cộng hòa Đức (tiếng Đức: Deutsches Republik).
Danh từ “Cộng hòa Weimar” không phải là tên gọi chính thức của chính quyền thời đó, vì lúc bấy giờ tên gọi chính thức của Đức khi đó là Đế quốc Đức (tiếng Đức: Deutsches Reich). Sở dĩ có tên Cộng hòa Weimar là vì quốc hội của chính phủ này hội họp và viết bản hiến chương tại thành phố Weimar và phân biệt với Đế quốc Đức thời kỳ 1871-1918
Lịch sử cộng hòa Weimar
Cộng Hòa Weimar là một giai đoạn lịch sử rất đặc thù của Đức. Nó được khai sinh cuối năm 1918 sau Thế chiến I, nhưng chỉ sống vỏn vẹn 14 năm, trong đó hơn chín năm hỗn loạn, 7 lần bầu cử quốc hội và 14 vị Thủ tướng khác nhau. Cũng trong thời gian này, đảng Quốc Xã đã từ số không vươn lên để nắm chính quyền chỉ sau hơn 10 năm và Hitler đã dẫn dắt nước Đức vào giai đoạn đen tối nhất lịch sử với Thế chiến II.
Làm sao có thể cắt nghĩa những hiện tượng khó hiểu đó? Thế chiến I với hệ lụy quá đỗi kinh hoàng, làm sao mà chỉ sau 20 năm có thể xảy ra Thế chiến II còn kinh hoàng gấp bội? Bài nghiên cứu lịch sử sau đây có thể giúp độc giả vài dữ liệu và phân tích cần thiết.
Ngày sinh của Cộng hòa Weimar là ngày nào không ai xác định một cách rõ rệt. Ngày sụp đổ của nó là ngày nào cũng khó định nghĩa theo quan điểm lịch sử.
Nhưng tuyệt đại đa số sử sách đều sử dụng thuật ngữ Cộng hòa Weimar để nói đến nền cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Đức kéo dài vỏn vẹn 14 năm từ lúc bất ngờ được công bố ngày 9.11.1918 và chấm dứt với sự chỉ định Adolf Hitler làm Thủ tướng ngày 30.1.1933, khởi đầu cho thời đại Quốc Xã với tên chính thức là Đế chế thứ ba (Drittes Reich). Người ta gọi tên là Cộng hòa Weimar không phải vì tuyên ngôn thành lập cộng hòa sử dụng thuật ngữ đó, mà chẳng qua nó mang một dấu ấn lịch sử khác.
Weimar là thủ phủ của bang Thüringen, nơi quốc hội dân chủ đầu tiên của Cộng hòa Đức triệu tập phiên họp đầu tiên. Và cũng chính tại Weimar, hiến pháp đầu tiên được quốc hội thông qua ngày 31.7.1919 và được Tổng thống Friedrich Ebert phê chuẩn ngày 11.8.1919 tại thị trấn Schwarzburg thơ mộng, ngoại ô của Weimar nằm trong khu rừng Thüringen.
Người ta không dùng thuật ngữ “Cộng hòa Weimar” trong những văn kiện chính thức!
Quá trình hình thành Cộng hòa Weimar có thể được xem là một cuộc cách mạng. Nó làm sụp đổ chế độ quân chủ phong kiến từ ngàn xưa và thay vào đó là một chính thể dân chủ đại nghị lần đầu được thử nghiệm tại Đức trên bình diện quốc gia. Nhưng về chính trị thì hệ tư tưởng của giới lãnh đạo cũng không có gì mới mẻ.
Dù cấu trúc các guồng máy nhà nước thay đổi tận gốc rễ, nhưng bộ phận lãnh đạo vẫn là những gương mặt thuộc giới tinh hoa cũ. Tổng thống đầu tiên tại chức suốt 7 năm vẫn là Friedrich Ebert, chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trước đây tuyệt đối trung thành với nền quân chủ và chịu liên đới trách nhiệm về chính sách tài chính chiến tranh.
Nhất là sau khi hiến pháp được ban hành với tên nước là Đế chế Đức, nền Cộng hòa Weimar trong một khía cạnh nào đó vẫn là sự tiếp nối của đế chế tồn tại từ thời đại Bismarck và Wilhelm. Tuy thế, để dễ trình bày từ nay về sau, chúng ta tạm dùng thuật ngữ Cộng hòa Weimar để chỉ giai đoạn lịch sử 14 năm ngắn ngủi này, và thuật ngữ Cách mạng tháng 11.1918 để chỉ biến cố lịch sử đặc biệt lúc ấy dẫn đến việc thành lập chế độ dân chủ Đức.
Cộng hòa Weimar là cuộc thử nghiệm dân chủ lần thứ hai trong lịch sử Đức. Khác với cuộc cách mạng lần trước năm 1848 rất nhanh chóng bị dập tan và chưa có một quốc hội dân chủ được bầu, lần này nền cộng hoà được công bố, quốc hội được bầu, hiến pháp được thiết lập, các cơ cấu chính trị và hành chính theo nguyên tắc dân chủ được tổ chức.
Nhưng cuộc thế chiến I thất bại đã để lại hậu quả nghiêm trọng lên nước Đức, xung khắc về xu hướng chính trị làm dân tộc bị chia rẽ sâu sắc. Thất nghiệp, suy thoái, lạm phát phi mã làm cho niềm tin của dân chúng hoàn toàn sụp đổ sau vài năm. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng toàn cầu 1929/1930 kéo theo đại suy thoái làm phe cực hữu của Hitler nhanh chóng chiếm ưu thế và nắm quyền năm 1933, bắt đầu giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử nước Đức.
Cách mạng tháng 11.1918
Biến động bắt đầu từ ngày 30.10.1918, khi thống soái Reinhard Scheer thuộc bộ tư lệnh hải quân Đức tự ý quyết định đưa cả hạm đội ra chiến trận để thay cho hạm đội tàu ngầm bị cấm hoạt động trong khuôn khổ điều kiện ngưng chiến đang thương lượng với đồng minh. Ai cũng biết rằng, quyết định của Scheer không khác gì một hành động tự sát không mang lại kết quả nào, mà Scheer chỉ muốn biểu dương tinh thần sẵn sàng chết trong danh dự.
Thủy thủ trên một vài tàu chiến nổi loạn, bất phục tòng nhiệm vụ và cuối cùng cuộc hành quân phải bỏ dỡ, các chiến thuyền trở lại hải cảng Wilhelmshaven với hơn 1.000 thủy thủ bị bắt giữ. Ngày 4.11, công nhân cảng và các thủy thủ ở Kiel nổi dậy đòi bộ tư lệnh phải thả các thủy thủ còn bị giam. Buổi tối hôm đó, toàn bộ hải cảng Kiel lọt vào tay phe nổi loạn. Đây là hai cuộc nổi dậy hoàn toàn phi chính trị, không gắn liền với một đòi hỏi nào khác hơn là ngưng chiến và biểu lộ tinh thần đoàn kết với đồng đội.
Động lực thúc đẩy họ hành động không xuất phát từ một chiến lược cách mạng nào được điều khiển từ xa, mà thuần túy xuất phát từ sự mệt mỏi qua chiến tranh, và họ không muốn tiếp tục hy sinh một cách vô nghĩa, nhất là khi họ biết rằng cuộc thương lượng ngưng bắn đang diễn tiến giữa hai phe. Đằng sau các thủy thủ cũng không có một đảng phái chính trị nào kịp nắm lấy thời cơ để phất cờ lãnh đạo – từ cánh tả đến hữu cũng như chính trị trung dung hay dân chủ xã hội
Chính phủ cử Gustav Noske (SPD) đứng ra thương lượng giảng hòa, nhưng không thành và ông viết trong báo cáo: “Động lực thúc đẩy để cuộc bạo loạn chiếm ưu thế là, tình hình [chiến sự] đã cùng đường, và trong giây phút này họ không muốn chết mà chỉ muốn trở về nhà với vợ con”
Nhiều toán quân được cử đi dẹp loạn đều thất bại, hoặc là do phe nổi loạn giải giới, hoặc bản thân binh lính cũng chạy sang phe nổi loạn. Trong bối cảnh hoang mang về tình hình quân sự, cuộc nổi loạn với đòi hỏi chấm dứt chiến tranh nhanh chóng lan ra các hải cảng và cả những thành phố lớn trong các bang ở Đức.
Ngày 7.11 chính phủ quân chủ đầu tiên ở Munich bị sụp đổ, vua Ludwig III chạy trốn và Kurt Eisner (đảng USPD) công bố “Quốc gia Tự do Bayern” (Freistaat Bayern) được thành lập ngày 8.11. Như một đám cháy gặp gió thành bão táp, phong trào nổi loạn nhanh chóng tràn về Berlin ngày hôm sau với vô số quân nhân vũ trang cũng như giới thợ thuyền.
Không ai trong các đảng phái chính trị lớn có một kế hoạch cụ thể để nắm lấy thời cơ. Cũng không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sáng hôm đó tại thủ đô Berlin. Quân đội có còn trung thành với hoàng đế và đàn áp cuộc nổi dậy hay không? Ai sẽ đứng lên nắm quyền trong giờ phút sắp tới? Cánh sĩ quan nổi loạn có đủ điều kiện để làm đảo chánh hay không? Người ta chỉ thấy hàng trăm ngàn người ra đường, quân nhân trộn lẫn với thường dân, đồng loạt tiến về trụ sở chính quyền.
Trước đó mười ngày, Hoàng đế Wilhelm II đã rời Berlin để về đại bản doanh quân đội ở Spa (vùng Eupen, nay thuộc Bỉ) với hy vọng tranh thủ sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội. Trong phủ thủ tướng ở Berlin, Thủ tướng Prinz Max đại diên cho nhà nước quân chủ thương lượng với các đảng phái chính trị lớn. Friedrich Ebert (thủ lãnh SPD) có vẻ sẵn sàng cứu vãn chế độ quân chủ, nhưng mặt khác ông cho rằng để đạt mục đích đó, hoàng đế cần phải sớm thoái vị.
Thủ tướng Prinz Max thì có xu hướng ôn hòa, cố gắng dùng điện tín để thuyết phục Wilhelm II nhượng bộ. Vị hoàng đế cứng đầu này thì trả lời rằng, ông không hề nghĩ tới chuyện “rời bỏ ngai vàng chỉ vì yêu cầu của vài trăm người Do thái và 1.000 anh công nhân”. Đến 12 giờ thì Prinz Max không còn kiên nhẫn nữa và tự ý tuyên bố Hoàng đế đã thoái vị, chuyển giao quyền điều khiển nhà nước cho Friedrich Ebert. Bước chuyển động đầu tiên đã thành công một cách ôn hòa.
Philipp Scheidemann (SPD) trở về toà nhà quốc hội, nơi đó đã có hàng vạn người tập trung trước trụ sở. Vẫn chưa có gì xảy ra và Scheidemann vẫn ngồi trong phòng ăn tập thể. Bỗng nhiên một đám đông tiến vào thông báo cho Scheidemann biết là bên kia khuôn viên, Karl Liebknecht đang dự tính tuyên bố thành lập cộng hòa. Lúc ấy là 2 giờ chiều.
Philipp Scheidemann vội vã đứng lên thành cửa sổ, không chuẩn bị gì và bị kích động cao độ trước một rừng người chờ đợi trước tòa nhà quốc hội, ông công bố: “Vị Hoàng đế đã thoái vị. Ông ta và nhân viên bạn bè đã biến mất. Nhân dân đã thắng họ hoàn toàn trên mọi lĩnh vực! Hoàng tử Max của vương quốc Baden đã chuyển giao phủ Thủ tướng cho nghị viên Ebert.
Người bạn của chúng ta [Friedrich Ebert] sẽ thành lập một chính quyền công nhân bao gồm tất cả các đảng phái xã hội. Công nhân và chiến sĩ! Hãy nhận thức ý nghĩa lịch sử của ngày hôm nay. Chế độ quân chủ cũ kỹ và mục nát đã sụp đổ. Hoan hô thời đại mới. Cộng hòa Đức muôn năm!”. Thế là Cộng hòa được công bố, không cờ quạt, không trống chiêng, không diễn binh, không một nghi thức trang trọng cho xứng với tầm vóc một cuộc cách mạng vĩ đại, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến.
Ngay cá nhân Friedrich Ebert và cả Philip Scheidemann trước đây một giờ cũng không ngờ tới biến cố tuyệt diệu này, và họ cũng chưa hề bàn bạc với nhau về điều gọi là Cộng hòa Đức (Deutsche Republik) vừa được tuyên ngôn. Mọi chuyện xảy ra như một biến cố tình cờ của lịch sử.
Chỉ hai giờ sau đó, thủ lãnh Nhóm Quốc tế cánh tả là Karl Liebknecht đứng trước lâu đài bên cạnh nhà quốc hội và công bố thành lập Cộng hòa Xã hội Tự do và tự phong cho mình làm chủ tịch. Nhưng đã quá trễ, cộng hòa này chỉ có lãnh đạo mà thiếu tập thể nhân dân: Họ đã quyết định đi theo lời hiệu triệu của Philipp Scheidemann.
Với sự thành công của Friedrich Ebert và Philipp Scheidemann trong việc công bố Cộng hòa Đức, liên minh dân chủ bao gồm thành phần xã hội (đảng SPD), dân chủ (DDP) và trung dung (Zentrum) lần đầu lên nắm quyền lực. Liên minh này được thành lập không chính thức từ năm 1917, họ không đứng trong một tổ chức, mà chỉ tìm đến nhau để đấu tranh cho mục đích chung: biến nền chính trị nước Đức thành một chế độ dân chủ đại nghị (xem trang 287, D. Raff), tam quyền phân lập để thay cho chế độ quân chủ đại nghị đã lỗi thời.
Trong cuộc bầu cử quốc hội lập hiến đầu tiên ngày 19.1.1919, liên minh này chiếm được tuyệt đại đa số (78%). Thắng lợi này họ đạt được nhờ sự ủng hộ tích cực của giới công nhân và thành phần trí thức thuộc xu hướng tự do dân chủ. Qua cuộc bầu cử đó, rõ ràng các lực lượng thân hoàng triều không còn được nhân dân ủng hộ và chế độ quân chủ đã vĩnh viễn sụp đổ.
Thành phần quí tộc, nếu muốn tồn tại về chính trị, bắt buộc phải từ bỏ tư tưởng phong kiến với những cơ cấu tập trung quyền lực của nó đã có từ nghìn xưa.
Quốc hội chỉ định Hugo Preuss, một nhà thông thái nổi danh đương thời, người có gốc Do Thái thuộc đảng DDP tổ chức soạn thảo hiến pháp. Vai trò này không dễ dàng chút nào cho Preuss. Trước hết, hiến pháp cộng hòa cần phải làm một thay đổi tận gốc rễ cơ cấu quyền lực cũ trong lúc các thế lực quân chủ vẫn còn ảnh hưởng nặng lên giới tinh hoa đương thời.
Ngay cả những người cầm quyền lúc ấy, vốn dĩ hăng hái ủng hộ chế độ cộng hoà, nhưng tư tưởng chủ đạo vẫn chưa dứt hẳn hình thái cũ của nhà nước thời đại quân chủ. Thứ hai, hai xu hướng liên bang tản quyền mà đại biểu là bang Bayern và liên bang tập trung mà đại biểu là bang Preussen vẫn còn là vấn đề khó thống nhất. Khổ thay, đấy là hai bang quan trong nhất trong quá khứ.
Thứ ba, Preussen vẫn còn là bang lớn nhất, về diện tích cũng như dân số chiếm hơn 1/2 toàn bộ quốc gia. Để nguyên như thế thì không ai chấp nhận được, nhưng xẻ nhỏ nó ra cho cân bằng với những bang khác thì sẽ gặp sức chống đối của quá nhiều người đang còn thế lực. Thứ tư, câu hỏi quan trọng cần trả lời trước tiên là, thể chế cộng hòa này là sự tiếp nối chế độ cũ với nhiều thay đổi triệt để, hay phải xóa bỏ tất cả để làm lại từ đầu với tinh thần cách mạng. Và biết bao nhiêu vấn đề khác cần được thỏa thuận để hoàn tất nội dung hiến pháp.
Với những khó khăn như thế, thật là một kết quả tài tình của Hugo Preuss khi chỉ 6 tháng sau, bản hiến pháp đã được quốc hội thông qua ngày 31.7.1919. Tuy nhiên công bằng mà nhận xét, đây là bản hiến pháp mang tính chất thỏa hiệp hơn là sản phẩm của một tư tưởng cách mạng triệt để. Chỉ riêng tên nước và quốc kỳ: Chúng ta gọi quốc gia mới là Cộng hòa Weimar, nhưng thực chất trong hiến pháp vẫn gọi đây là Đế chế Đức (Deutsches Reich – German Empire).
Dù với ngọn cờ Đen-Đỏ-Vàng để phân biệt với cờ của Đế chế Đức thời Bismarck và Wilhelm, chế độ mới này chừng mực nào vẫn là sự tiếp nối đế chế đã được thành lập cách đó 50 năm, 1871. Nội dung bản hiến pháp vẫn còn tồn tại những lỗ hổng lớn và đã để lại khó khăn sau này cho quốc hội khi phải xử lý những xung khắc phức tạp. Thí dụ, hiến pháp qui định rằng Tổng thống do quốc hội bầu, Tổng thống chỉ định Thủ tướng để đứng ra thành lập nội các và quốc hội phê chuẩn.
Trong trường hợp Thủ tướng và nội các không đạt đa số trong quốc hội, Tổng thống phải chọn người khác, hoặc sử dụng điều khoản 48 để ban bố tình trạng khẩn cấp, qua đó nội các có thể hoạt động theo nguyên tắc thiểu số. Tất nhiên đạo luật này chỉ nên có giá trị tạm thời trong một thời gian ngắn. Nếu nó kéo dài quá lâu, vai trò quốc hội trở thành vô nghĩa và nền chính trị sẽ tiến đến chế độ “nội các Tổng thống”, nền dân chủ có nguy cơ bị lung lay. Điều đó đã xảy ra hai lần trong thời gian từ 1930-1932 với Thủ tướng Brüning và von Papen.
Cuộc cách mạng tháng 11.1918 đã mở đường cho nước Đức đi vào một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ và nhiều cơ hội để canh tân đất nước, đồng thời cũng đặt ra nhiều thử thách vô cùng to lớn, bắt đầu bằng chính trị hỗn loạn, kinh tế suy thoái, đời sống cơ cực và cuối cùng, nền cộng hòa sụp đổ để đi vào giai đoạn đen tối nhất của lịch sử với Quốc Xã Hitler.
Tuy nhiên về mặt chính trị, cuốc cách mạng đã làm phát sinh những hiệu ứng tích cực đáng ca ngợi. Trước hết cuộc cách mạng đã vĩnh viễn chấm dứt chế độ quân chủ, đồng thời chấm dứt triều đại quan trọng nhất của lịch sử nước Đức – triều đại Hohenzollern kéo dài hơn 500 năm tại vương quốc Phổ (Preussen) và Đế chế Đức. Thực ra, khi Đế chế Đức thành lập năm 1871 thống nhất tất cả vương quốc thuộc hai liên minh Nam Đức và Bắc Đức, một vài cải cách dân chủ đã được tiến hành, họ đã có một quốc hội dân cử liên bang nhưng quyền hành thực tế chỉ giới hạn vỏn vẹn trong vai trò cố vấn.
Thủ tướng vẫn còn được Hoàng đế chỉ định và cả hai vị này đều có quyền phủ quyết các quyết định của quốc hội. Cuộc cách mạng tháng 11.1918 đã thay đổi tận gốc rễ cơ cấu quyền lực này, không còn vua, không còn vương quốc, không còn Hoàng đế, quốc hội do dân bầu có quyền hạn được qui định rõ rệt trong hiến pháp, Tổng thống do quốc hội chỉ định theo đa số, chế độ dân chủ đại nghị thực sự hoạt động, nguyên tắc tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) được hiến pháp bảo vệ.
Chế độ dân chủ được thiết lập không những ở trung ương mà cả các tiểu bang cũng thế. Quan lại chế độ cũ, từ Thủ tướng cho đến lãnh đạo các cơ quan hành chánh đều rút lui. Nói tóm lại, chế độ quân chủ hoàn toàn sụp đổ để nhường bước cho chế độ dân chủ đại nghị. Tiếc thay, cơ hội lịch sử này chỉ kéo dài 14 năm.
Về văn chương triết học, cuộc cách mạng tháng 11.1918 đã khởi động một thời kỳ hưng thịnh chưa từng có ở Đức, nâng nền văn chương Đức từ vị trí tầm thường lên tầm cao của văn học thế giới. Chỉ cần lướt qua những tác phẩm văn học, kịch nghệ được sáng tác trong giai đoạn này, chúng ta cũng suy đoán được tình trạng trăm hoa đua nở của một thời kỳ văn hóa vàng son, để lại những dấu ấn không hề phai nhạt cho đến thế kỷ 21 hôm nay. Những tên tuổi trứ danh như: Bertolt Brecht, Alfred Döblin, Lion Feuchtwanger, Gerhard Hauptmann. Hermann Hesse, Franz Kafka, Thomas Mann, Heinrich Mann, Kurt Tucholsky, Carl Zuckmeyer, Stefan Zweig v.v… chỉ là thí dụ về những cây đại thụ của văn học thế giới, còn ngoài ra hàng loạt tên tuổi khác cũng thành danh trong giai đoạn này ở mức độ quốc gia.
Ngành nghệ thuật tạo hình cũng chứng kiến một thời kỳ phát triển rực rỡ chưa hề có. Những sáng kiến mới mẻ trong nghệ thuật nổi lên như sóng thủy triều quét phăng những tư tưởng thủ cựu nhàm chán. Trào lưu nghệ thuật mới (Jugendstil – art nouveau) và tiền phong (avantgarde) vốn đã bắt đầu từ thập niên 1900, sau bốn năm chiến tranh gián đoạn giờ đây có điều kiện bộc phát mạnh mẽ bên cạnh những trường phái biểu tượng, siêu thực, Dada, lập thể với sự có mặt của những cây cổ thụ như Max Beckmann, Max Ernst, Karl Hofer, Paul Klee, Max Liebermann, Kurt Schwitters v.v…
Trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, với không khí sôi động của đời sống chính trị, nhất là khi những gò bó tư tưởng dưới các triều đại quân chủ cũng như chế độ kiểm duyệt thời chiến tranh giờ đây bị bãi bỏ, hệ thống truyền thông đại chúng bùng nổ với một tốc độ chưa từng có. „Ở Đức năm 1928 có 3356 nhật báo [tư nhân] với số lượng phát hành tổng cộng hơn 20 triệu ấn bản. Riêng Berlin có đến 147 nhật báo và gần như mỗi thành phố nhỏ đều có tờ báo riêng của địa phương mình.
Tuy nhiên chỉ có 26 nhật báo, tức 1% tổng số, đạt số lượng phát hành trên 100.000. Lớn nhất là tờ Berliner Morgenpost đạt 400.000 ấn bản“. (So sánh với Việt Nam hôm nay: chúng ta trong thế kỷ 21 chỉ có hơn 800 tờ báo lớn nhỏ phục vụ cho 100 triệu dân, tất cả đều nằm dưới sự khống chế nội dung của nhà nước! Báo tư nhân bị cấm phát hành).
Hiệp ước Versailles
Hai ngày sau khi công bố thành lập cộng hòa, bộ trưởng Matthias Erzberger thay mặt chính phủ Đức đến Compiègne cách Paris 100 Km phía đông bắc để ký hiệp ước ngưng bắn với những điều kiện rất ngặt nghèo. Tiếng súng đã im hẳn trên mọi chiến trường, nhưng chiến tranh vẫn chưa chấm dứt: Phe thắng trận còn làm nốt công việc cuối cùng để thỏa thuận với nhau về những biện pháp trừng phạt các nước thua trận.
Sau bốn năm chiến tranh, các nước thắng trận gặp nhau tháng 1.1919 tại Paris để bắt đầu một hội nghị lớn chưa từng có trong quá khứ: 30 nước với đội ngũ gần 10.000 nhân viên cùng ngồi lại với nhau để sắp xếp lại một trật tự mới: Hoa Kỳ vươn lên thành cường quốc số một, trong lúc đó bốn đế chế lớn là Đức, Áo-Hung, Nga và Ottoman hoàn toàn sụp đổ. Bộ mặt thế giới hoàn toàn thay đổi sau hội nghị.
Với chương trình 14 điểm của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson, người ta tưởng một hòa ước có thể được thỏa thuận để bảo vệ hòa bình châu Âu mà qua đó các nước thua trận tất nhiên bị trừng phạt nhưng chỉ trong khuôn khổ chấp nhận được. Nhưng đấy là chương trình Hoa Kỳ đề nghị mà chưa thỏa thuận cụ thể với các cường quốc châu Âu.
Mục đích của Pháp và Anh tại hòa đàm Paris là phá hủy sức mạnh quân sự của Đức trên biển, hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Đức trên thế giới và giới hạn vùng ảnh hưởng Đức ở Trung Âu về mặt địa lý, dân số, chính trị và quân sự. Ngoài ra, họ muốn phô diễn cho thế giới biết rằng, Đức phải chịu trách nhiệm tuyệt đối về các thiệt hại chiến tranh.
Khi đi vào những chi tiết cụ thể, ba cường quốc Anh-Pháp-Hoa Kỳ có những quan tâm khác nhau: “Pháp muốn rằng Đức phải bị suy yếu lâu dài và nhất là họ muốn đoạt quyền kiểm soát khu công nghiệp quan trọng Rhein và Ruhr ở Tây Bắc nước Đức; Chính sách của Pháp đặt biệt quan tâm đến hợp tác với các nước đông và đông nam châu Âu, những nước vừa hình thành sau sự sụp đổ của đế chế Nga và triều đại Habsburger. Pháp đặc biệt cổ xúy một nước Ba Lan mạnh để trở thành đối tác liên minh chống lại Đức và làm vùng đệm đối với Liên Xô. Anh thì tương đối đã thỏa mãn sau khi loại trừ Đức ra khỏi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế và sau khi Đức chuyển nhượng tất cả thuộc địa [cho các nước đồng minh].
Để tạo một thế quân bình trên lục địa, những nhà ngoại giao Anh chống lại việc làm suy yếu hoàn toàn nước Đức. Quan niệm của Hoa Kỳ cũng thế. Nhưng cuối cùng thì quan điểm an ninh của Pháp đã thắng thế trong hội nghị”. Pháp và Đức vốn xưa nay vẫn xem nhau như hai nước thù địch. Pháp đã cảm thấy quốc gia bị Bismarck làm nhục năm 1871 ngay tại điện Versailles. Hôm nay thì quốc gia Đức cảm thấy nhục nhã vì hiệp ước Versailles. Chuyện hôm nay hai nước trở thành bạn hữu chỉ sau 100 năm, đúng là một thần kỳ hiếm có của lịch sử.
Trong hội nghị này, Đức và liên minh thua trận không được tham dự và cuối cùng phải ký kết một hiệp ước không ai trong họ có thể chấp nhân được. Các nước tham dự, từ lớn tới nhỏ đều tìm cách đưa ra nhiều điều khoản bồi thường có lợi cho riêng mình như chúng ta sẽ thấy sau này. Hiếm khi trong lịch sử loài người có một hiệp ước hòa bình như Versailles.
Về mặt địa lý, Đức mất Elsass-Lothringen (Alsace-Lorraine) về Pháp, vùng phía tây bang Phổ và vài vùng khác ở phía đông mất về Ba Lan và Tiệp, một phần bang Schleswig mất về Đan Mạch, Eupen-Malmedy mất về Bỉ. Tổng số diện tích bị mất ước tính 12% lãnh thổ với dân số tổng cộng khoảng 6,5 triệu tức 10% dân số. Ngoài ra tất cả các thuộc địa giao lại cho các nước thắng trận chính yếu. Vùng Rheinland kể cả Saar giao cho Hội Quốc Liên quản lý trong vòng 15 năm, trong thời gian đó Pháp được hưởng toàn bộ sản xuất than đá vùng Saar. Với các vùng địa lý bị mất, kinh tế Đức cũng mất đi 25% trữ lượng than đá, 75% trữ lượng đồng thiếc, 50% trữ lượng sắt thép.
Về quân sự, bộ binh chỉ được giữ 100.000 quân với tối đa là 4.000 sĩ quan, hải quân chỉ còn lại 15.000 với các đội thuyền nhẹ. Đức giao nộp toàn bộ hải thuyền hạng nặng như tàu ngầm, tàu chiến lớn. Không quân bị giải thể. Thiết lập vùng phi quân sự 50 Km ở bờ đông sông Rhein.
Về kinh tế và tài chính, hòa ước Versailles đặt ra những điều khoản vô cùng khe khắt về bồi thường chiến tranh. Con số cụ thể sẽ được các nước thắng trận qui định sau, nhưng hòa ước qui định bồi thường không những bao gồm thiệt hại do chiến tranh gây ra mà cả hưu bổng cho quân nhân các nước thắng trận bị chết hoặc tàn tật qua chiến tranh. Bên cạnh đó 90% đội thương thuyền và toàn bộ tài sản ở ngoại quốc bị tịch thu làm cho nền ngoại thương mất khả năng hoạt động.
Đặc biệt điều 231 qui định: “Đức và các nước liên minh với tư cách là tác giả phải chịu trách nhiệm vế tất cả thiệt hại mà các chính phủ đồng minh và nhân viên của họ đã gánh chịu vì cuộc chiến tranh do Đức và các nước liên minh gây ra”.
Thỏa ước được giao tận tay Bộ trưởng ngoại giao Đức ngày 7.5.1919. Từ lâu công luận Đức chờ đợi rằng hiệp ước đặt nền tảng trên đề nghị 14 điểm của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson và họ sẽ sẵn sàng chấp nhận. Nhưng khi nội dung được công bố ra công luận, một làn sóng phản kháng nổi dậy trong mọi tầng lớp dân chúng.
Thủ hiến bang Phổ Paul Hirsch kêu gọi “Thà chết hơn làm nô lệ”. Chủ tịch quốc hội Konstantin Fehrenbach thuộc đảng Zentrum gọi hiệp ước Versailles là văn kiện “vĩnh viễn hóa chiến tranh” và đe dọa bằng tiếng Latin “Hãy nhớ lấy, bọn thù địch, từ đống xương [những người đã ngã xuống] sẽ vươn dậy một người đi trả thù” và tiếp theo bằng tiếng Đức “Trong tương lai những người mẹ Đức sẽ tiếp tục sinh con, chúng sẽ bẻ gãy xiềng xích nô lệ và rửa sạch ô nhục đã bôi lên mặt dân tộc Đức”
Trên bình diện quốc gia và từ thế đứng của chính trị gia cao cấp, đấy chỉ là phản ứng của những người bị ức chế đến tột cùng mức chịu đựng. Họ sẽ là người ủng hộ bất cứ ai phát động chiến tranh để trả thù khi có thời cơ. Hiệp ước Versailles đã châm ngòi cho xu hướng dân tộc cực đoan Đức trỗi dậy, và Hitler là người xảo quyệt, khôn ngoan biết nắm lấy thời cơ.
Các đảng phái từ chối bỏ phiếu thuận trong quốc hội. Chính phủ Scheidemann từ chức để tránh phải đặt chữ ký lên hiệp ước. Mãi đến ngày 16.6.1919 khi phe thắng trận đưa tối hậu thư đòi Đức ký kết trong vòng một tuần để tránh thảm họa chiến tranh tái diễn, kinh tế bị phong tỏa và đất nước bị chiếm đóng, Đức không còn đường nào khác hơn là phải ký kết ngày 28.6.1919 ngay tại Phòng kiếng Cung điện Versailles, nơi mà trước đó nửa thế kỷ, Bismarck đã công bố thành lập Đế chế Đức. Kể từ thời điểm này, hiệp ước Versailles là đề tài chính trị số một của phe cực hữu trong các cuộc vận động công cộng. Và thực tế là cũng nhờ đề tài chính trị đó mà Quốc Xã đã phát triển ngày càng mạnh và đạt số phiếu ủng hộ ngày càng cao trong các cuộc bầu cử sau đó và lên nắm quyền năm 1933.
Người ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng, Versailles không phải là một hiệp ước được ký kết để bảo vệ hoà bình, mà chỉ là cuộc trả thù cay độc trên bình diện quốc gia với nhau, nổi bật nhất là Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau, một người có tư tưởng cứng rắn và bài Đức không khoan nhượng. Thủ tướng Anh David Lloyd George cũng không hiền hòa hơn chút nào. Mầm mống chiến tranh đã tiềm ẩn từ ngày ký kết: Chuyện thua trận trên chiến trường người ta sẽ quên đi theo thời gian, nhưng khi cả một dân tộc bị hạ nhục và dồn vào chân tường, dân tộc đó sẽ tích lũy nội lực để vùng lên trả thù khi có thời cơ.
Khách quan mà nhận xét, không thể đổ hết lỗi cho Versailles về các hậu quả sau này, điều mà sử gia Margaret MacMillan người Canada, cháu gái của cựu Thủ tướng Anh David Lloyd George, quả quyết: “Nếu cho rằng hiệp ước Versailles là nguyên nhân của thế chiến thứ II, đấy chỉ là một truyền thuyết quen thuộc. Những xung khắc xảy ra sau 1919 có một nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Người Đức bị sốc sau bản hiệp ước chẳng qua vì không chịu thú nhận rằng họ đã thua trận.
Ngược lại người ta quảng bá niềm tin cho rằng họ vô địch trên chiến trường và chỉ thua trận vì sự phản bội của kẻ thù bên trong” (ghi chú: sử sách Đức cũng gọi đó là truyền thuyết đâm sau lưng chiến sĩ – Dolchstoßlegende. Truyền thuyết này được phái hữu và phe quân đội rêu rao suốt gần 10 năm).
Điều chắc chắn là, hiệp ước Versailles là một công cụ hữu hiệu để những phe phái cực đoan từ tả đến hữu ở Đức sử dụng cho mục đích chính trị của họ. Với lời hứa sẽ đòi phe thắng trận hủy bỏ hiệp ước Versailles trong một thời gian ngắn, Hitler đã lôi cuốn dân Đức dồn phiếu cho đảng Quốc Xã, bắt đầu với 2,6% năm 1928 nhanh chóng vượt lên hàng đầu 43,9% chỉ sau 5 năm (xem niên sử bên dưới), mở đường cho cuộc nắm quyền của Hitler năm 1933, bắt đầu thời gian đen tối nhất trong lịch sử Đức. Tổng thống Theodor Heuss viết trong hồi ký “Con đường của Hitler” (Hitlers Weg): “Nơi sinh thành của phong trào Quốc Xã không phải là Munich, mà là Versailles”.
Phải chăng thế chiến thứ II xảy ra sau đó 20 năm là một tất yếu lịch sử của hiệp ước Versailles? Có phải vì thế mà Trung Hoa (nay là Đài Loan) không ký vào hiệp ước? Có phải vì thế mà quốc hội Hoa Kỳ từ chối phê chuẩn chữ ký của phái đoàn Hoa Kỳ?
John Maynard Keynes, một trong ba lý thuyết gia kinh tế nổi tiếng nhất loài người (bên cạnh Adam Smith và Karl Marx), cố vấn tài chính của phái đoàn Anh tại Versailles, từ chức và rút lui khỏi phái đoàn trước khi hội nghị chấm dứt vì không muốn nhận trách nhiệm đã tham gia ký kết hiệp ước. Keynes sợ rằng, vì quan hệ kinh tế chằng chịt của châu Âu, hiệp ước Versailles sẽ phá hủy toàn bộ lục địa.
Ông tiên đoán rằng “một cuộc nội chiến châu Âu sẽ xảy ra, với nổi kinh hoàng bùng lên như chiến tranh Đức trong quá khứ và cuộc nội chiến ấy, bất chấp ai là kẻ thắng, sẽ làm tàn rụi nền văn minh cũng như những tiến bộ mà thế hệ chúng ta gặt hái được”. Rõ ràng đấy là lời cảnh báo về một thế chiến thứ II không tránh khỏi. Tiếc thay ít người đương thời xem lời cảnh báo ấy với thái độ nghiêm chỉnh.
Sau đó 18 tháng, hội nghị London tháng 5.1921 qui định số tiền bồi thường là 132 tỉ Mác vàng (1 Mác vàng có hàm lượng 0,36 gram vàng ròng, theo thời giá năm 2020 hiện nay là 18 Euro), mỗi năm trả dần khoảng 3 tỉ. Đấy là điều kiện ngặt nghèo không nước nào có thể đáp ứng nổi. Tính theo thời giá hôm nay, số nợ đó tương đương với 2.400 tỉ Euro, tức mỗi người trong 60 triệu dân Đức, già trẻ lớn bé đều mang nợ 40.000 Euro.
Qui định này được chuyển cho chính phủ Đức ngày 5.5.1921 kèm theo tối hậu thư cho phép Đức sáu ngày để chấp thuận nếu không thì đồng minh sẽ chiếm đóng vùng Ruhr. Tất nhiên Đức phải chấp thuận. Nhưng một lần nữa, vì Versailles mà thêm một nội các từ chức để tránh trách nhiệm đã đặt bút ký kết, và hiệp ước Versailles cũng châm thêm thuốc nổ cho phe cực hữu phá hoại Cộng hòa Weimar. Cũng bắt đầu từ đây, tất cả những nội các sau này của Cộng hòa Weimar đều dồn hết tinh lực để giải quyết tình trạng tài chính quốc gia trong bối cảnh ngặt nghèo của bồi thường chiến tranh theo đòi hỏi của hiệp ước Versailles.
Hỗn loạn về chính trị
Sự kiện có 14 lần Tổng thống đề cử Thủ tướng chỉ trong vòng 14 năm (xem niên sử bên dưới) cũng nói lên tình trạng hỗn loạn về chính trị và sự bất ổn định của guồng máy nhà nước. Nền cộng hòa Weimar được điều hành trong vài năm đầu bởi những người dân chủ xã hội ôn hòa và sau đó bởi những người bảo thủ thuộc cánh trung dung. Hỗn loạn gây ra chủ yếu do những thành phần quá khích về phía hữu cũng như tả.
Cuộc bạo loạn đầu tiên, thật là trớ trêu, lại xảy ra do cánh tả thực hiện: Sau khi thất bại trong việc tuyên bố thành lập Cộng hoà Tự do, Karl Liebknecht cùng với Rosa Luxemburg thành lập liên minh Spartakus giữa tháng 11.1918 và sau đó đổi thành Đảng Cộng sản vào cuối tháng 12.1930 với sự có mặt của Karl Radek, đại diện của Lenin và Cộng sản Quốc tế (Comintern) tại Đức. Liên minh Spartakus tuyên bố hạ bệ nội các Ebert và tổ chức một cuộc nổi dậy vào ngày 6.1.1919 tại Berlin.
Bạo loạn nhanh chóng lan ra các thành phố lớn khác như Hamburg, Munich, Bremen nhưng bị đàn áp đẫm máu bởi quân đội và những nhóm bạo loạn cực hữu trong giới cựu quân nhân. Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg bị bắt và bị thủ tiêu vài ngày sau đó, giữa tháng 1.1919.
Với sự kiện nói trên, một mặt họ loại trừ bớt thành phần chống đối nhưng mặt khác, cách hành xử của nhóm quân nhân cực đoan, ngang ngược ngoài vòng luật pháp bất chấp mệnh lệnh từ cấp trên đã làm cho tình trạng vô chính phủ càng trầm trọng hơn. Đe dọa, ám sát, thủ tiêu xảy ra như cơm bữa. Công an cảnh sát cũng không đủ sức mạnh để bảo vệ các chính trị gia cao cấp.
Tháng 7.1919, bất mãn trước việc ký kết hiệp ước Versailles, qua đó đội quân hơn hai triệu người bị tinh giản xuống còn 100.000 quân nhân, bộ tư lệnh quân đội làm cuộc đảo chánh ép chính phủ chạy xuống Dresden rồi Stuttgart. Nhờ sự phản đối quyết liệt của bộ máy hành chánh bằng biện pháp bất hợp tác, cộng thêm cuộc tổng đình công trên bình diện quốc gia do công đoàn tổ chức, cuộc đảo chánh thất bại sau vài ngày, nhưng uy tín của chính quyền cộng hoà đã giảm sút trầm trọng, lực lượng cộng sản thừa cơ xông lên giành chính quyền ở Berlin, Münster và vùng Ruhr. Cuộc nổi dậy này cũng bị dẹp tan một cách tàn bạo, chính phủ giành lại quyền chủ động, nhưng uy tín của các đảng phái cầm quyền đã giảm sút rõ rệt.
Cuộc bầu cử tháng 6.1920 đã làm thay đổi tương quan lực lượng: liên minh dân chủ trở thành thiểu số (44%) trong quốc hội, sụt giảm 34% chỉ sau 18 tháng. Kẻ hưởng lợi trong xáo trộn này là phe cực đoan thuộc cả hai phía tả và hữu.
Tại nhiều thành phố ở bờ tây sông Rhein nằm giữa Aachen và Koblenz nổi lên những nhóm ly khai. Với sự hỗ trợ chính trị của Pháp, họ tuyên bố thành lập Cộng hòa Rhein. Các nhóm khác ở vùng Pfalz ở tây nam cũng thành lập Cộng hòa Pfalz. Các cuộc nổi loạn này cuối cùng thất bại vì không được dân chúng địa phương ủng hộ.
Cao điểm của sự hỗn loạn là cuộc đảo chánh ngày 9.11.1923 do Adolf Hitler cầm đầu đi kèm với tướng Erich Ludendorff. Ngày 8.11.1923 trong cuộc biểu tình do đảng Quốc Xã tổ chức, Hitler tuyên bố giải thể nội các Bayern cũng như chính phủ Đế chế, tự phong cho mình làm Tổng thống kiêm Thủ tướng và Ludendorff làm Tổng tư lệnh quân đội. Hitler tổ chức tuần hành ngày hôm sau để chiếm quốc hội, nhưng không thành và bị giải tán. Ludendorff đầu hàng công an. Hitler trốn thoát nhưng bị bắt sau đó hai ngày. Cuộc đảo chánh thất bại nhưng người dân hết tin tưởng vào chính phủ, đảng Quốc Xã nương theo đà để tăng cường các hoạt động phá hoại, khủng bố những người khác chính kiến, đồng thời tích cực xây dựng lực lượng và chủ trương từ nay đấu tranh hợp pháp trong nghị trường thông qua bầu cử.
Cộng hòa Weimar sụp đổ
Cộng hòa Weimar ngay từ ngày đầu đã gánh chịu những hệ lụy to lớn của hiệp ước Versailles. Những điều khoản về chiếm đóng vùng Rheinland, về trách nhiệm chiến tranh và mức bồi thường làm cho tâm lý người dân vô cùng tuyệt vọng. Khi Pháp và Bỉ đem quân vào chiếm đóng vùng Ruhr năm 1923, lấy lý do là Đức không thực hiện nghĩa vụ bồi thường, chính phủ cộng hòa kêu gọi dân chúng bất bạo động bất phục tùng. Pháp Bỉ phản ứng lại bằng việc tịch thu nhiều xí nghiệp quan trọng trong vùng, trục xuất công nhân ra khỏi vùng Ruhr.
Chính sách khắc nghiệt của Pháp và Bỉ không những làm cho nhiều gia đình điêu đứng, quĩ xã hội bị ảnh hưởng trầm trọng mà nền kinh tế chung cũng mất đi rất nhiều bán thành phẩm để sản xuất, vì Ruhr từ trước tới sau là nguồn cung cấp quan trong cho công nghiệp cả nước. Kinh tế suy sụp hơn, đời sống người dân cơ cực, xã hội mất ổn định. Không khí chính trị bị nhiểm độc đã cung cấp thêm vũ khí cho các phe phái cực hữu tấn công. Cuộc đấu tranh quằng quại đó đã để lại vết hằn sâu đậm. Phe cực tả ngày càng nhiều nghị viên, phe cực hữu ngày càng có ảnh hưởng trong xã hội, các đảng dân chủ tự do ngày càng mất dần ảnh hưởng. Hành động tự ý trừng phạt của bất kỳ nước nào (như trường hợp Pháp và Bỉ nói trên) sau đó bị đồng minh cấm qua quyết định tháng 8.1924 tại London. Nhưng đã quá trễ, chuyện đã xảy ra, thiệt hại không thể hoàn lại được, không khí chính trị bị nhiễm độc cũng không thể tốt hơn lên.
Đúng vào lúc nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhờ tác động của cải tổ tiền tệ năm 1923 thì Friedrich Ebert mất ngày 26.1.1925. Tổng thống mới là Paul von Hindenburg được bầu ngày 26.4.1925. Ông là vị tổng tư lệnh quân đội đã về hưu, vốn dĩ thuộc thành phần bảo thủ cánh hữu. Tuy chưa thuộc phái cực hữu, nhưng với tuổi 78, chung quanh ông bắt đầu qui tụ bạn bè cũ trong quân đội có xu hướng chống lại cộng hòa và ngày càng ngả về cánh cực hữu. Bản thân Hindenburg cũng chính thức thừa nhận ngày 26.2.1929 rằng, ông là thành viên của lực lượng bán quân sự Mũ Thép – một lực lượng khét tiếng về những hoạt động chống cộng hòa và phục hồi đế chế quân chủ. Khung cảnh chính trị của nền cộng hòa đã có sự thay đổi về chất sau khi Hindenburg lên làm Tổng thống.
Cuộc bầu cử ngày 20.5.1928 là lằn mốc sau cùng đáng chú ý. Trong 8 đảng phái của quốc hội không có một liên minh nào hội đủ túc số để thành lập nội các. Sau cùng phải nhờ những gương mặt có uy tín cao như Gustav Stresemann và sự khoan dung của các đảng nhỏ, nội các mới được quốc hội chấp nhận sau một thời gian dài thương lượng, nhưng vì là nội các thiểu số cho nên khả năng hành xử những vấn đề phức tạp không có hiệu quả cao, nền chính trị Weimar bắt đầu đi vào một cuộc khủng hoảng mới, kinh tế bắt đầu khựng lại, tài chính bắt đầu khó khăn với sức ép của bồi thường chiến tranh, nạn thất nghiệp cũng bắt đầu dâng cao. Dù chưa đến mức trầm trọng, nhưng nạn thất nghiệp dâng lên tất yếu làm mức thu nhập từ thuế lương giảm sút, ngân quĩ xã hội trống rỗng. Dân chúng bắt đầu hoang mang với viễn tượng đen tối trước mắt.
Sự sụp đổ thị trường chứng khoán tháng 10.1929 tại Hoa Kỳ đã châm thêm dầu vào lửa, nó mở đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và càn quét lên khắp các lục địa. Nó làm tăng tốc quá trình suy thoái tại Đức vốn dĩ đã bắt đầu từ giữa năm 1928. Đời sống người dân rất cùng cực và hỗn loạn xã hội bắt đầu phát sinh trở lại. Đến mùa đông 1928/1929 số người thất nghiệp tăng vọt và cuộc khủng hoảng tài chính đến đúng vào lúc này làm cho một lượng lớn tư bản đầu tư từ nước ngoài bị rút sạch, từ đó xí nghiệp không hoạt động được, sản xuất đình trệ, thất nghiệp lại gia tăng.
Lợi tức gia đình thấp càng làm cho mức tiêu thụ giảm sút trên thị trường và ảnh hưởng đến sản xuất. Vòng xoáy trôn ốc này đẩy kinh tế ngày càng đi xuống, thất nghiệp ngày càng cao. Đến mùa đông 1932/1933 đã có 6 triệu người thất nghiệp toàn phần thêm vào đó là thất nghiệp bán phần cũng không ít hơn. Trên 50% dân chúng không sống bằng lợi tức đều đặn hàng tháng. Người ta ước tính rằng sản xuất công nghiệp năm 1933 sụt giảm 40% so với năm 1929.
Biến cố toàn cầu này không những chỉ có hệ lụy lên kinh tế và xã hội Đức, mà nó còn có tác động mạnh đến chính trị và cộng đồng dân tộc. Lý tưởng dân chủ không còn quan trọng hàng đầu nữa, mà người ta chờ đợi một chính quyền mạnh dám làm những biện pháp mạnh để thay đổi tình hình. Trong bối cảnh đó các đảng cầm quyền không còn hy vọng được tồn tại, ngược lại xu hướng cực đoan cánh tả cũng như hữu có xu hướng đi lên. Phe cộng sản thì không phát triển mạnh lắm, nhưng phe cực hữu đứng đầu là đảng Quốc Xã đạt những thành công lớn mà trước đây vài năm bản thân họ cũng không ai hy vọng tới.
Trong những ngày đầu của nền cộng hòa năm 1919, đảng Quốc Xã chỉ là một trong hàng trăm băng nhóm khác nhau khắp nơi trên nước Đức. Với vài khẩu hiệu lặp đi lặp lại “rút lại hiệp ước Versailles”, lật đổ “hệ thống chính trị Cộng hòa Weimar”, tẩy chay “tài phiệt chứng khoán Do thái” và bằng những phương pháp hợp pháp cũng như bất hợp pháp, hội họp biểu tình đi kèm với khủng bố đe doạ, đảng này đã dần dần gây được ảnh hưởng trong quần chúng, nhất là thành phần trẻ, giới công nhân và những người thua thiệt trong xã hội. Phương pháp tranh thủ của họ là kích động cảm tính để lôi cuốn vào hành động khi có một biến cố “giựt gân” xảy ra. Nền kinh tế càng đi xuống và chế độ chiếm đóng càng hà khắc thì tiếng nói của đảng Quốc Xã càng lớn.
Cũng không phải bất ngờ mà sau cuộc chiếm đóng của Pháp và Bỉ năm 1923 trong vùng Ruhr với 100.000 binh lính mà đảng Quốc Xã lần đầu tiên đạt đủ cử tri ủng hộ để lọt vào quốc hội sau cuộc bầu cử 4.5.1924. Họ đã có 32 đại biểu trong quốc hội, đã có thêm một diễn đàn quan trọng để đấu tranh hợp pháp. Ảnh hưởng chính trị của đảng cực hữu này bắt đầu thay đổi về chất.
Lịch trình thanh toán bồi thường chiến tranh ký kết vào tháng 7.1929, thường được gọi là “Lịch trình Young” nâng cao tiền bồi thường từ 1,8 tỉ lên 2,4 tỉ Mác trong vòng 36 năm làm cho nền tài chính khó khăn thêm và không khí chính trị bị nhiễm độc. Ngay sau đó vài tháng, cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn cầu lan tới Đức, mọi nhà đầu tư ngoại quốc rút vốn, kinh tế suy thoái hơn, nạn thất nghiệp gia tăng nhanh chóng. Đấy là những nguồn thuốc nổ mới cung cấp cho phe cực hữu gây rối loạn trong xã hội.
Cuộc bầu cử ngày 14.9.1930 đã mang về cho đảng Quốc Xã một thắng lợi long trời lở đất mà ngay cả những người lạc quan nhất của họ cũng không ngờ tới. Đảng Quốc Xã trước đó chỉ có 2,6% bây giờ vọt lên chiếm 18,3% với 107 ghế nghị viên, đảng mạnh thứ hai trong quốc hội, chỉ sau SPD. Nội bộ đảng được củng cố vững chắc hơn, các tổ chức khủng bố càng tăng cường hoạt động và thu hút thêm nhân lực. Đội vũ trang dân sự SA phát triển từ 77.000 lên đến 470.000 thành viên vào tháng 8.1932. Các cuộc khủng bố của họ đối với những lần tranh cử sau đó của đảng cộng sản cũng như phe cộng hòa ngày càng đẫm máu hơn.
Với tương quan lực lượng mới trong quốc hội, Thủ tướng đương thời Brüning không thành lập được một nội các đa số. Trong tổng số 577 nghị viên, tổng số tất cả các đảng phái tư trung dung đến bảo thủ chưa đạt được 1/3. Đảng dân chủ xã hội và đảng cộng sản hợp nhau cũng chỉ đạt 1/3, nhưng dù sao, cánh tả và cánh xã hội đó không phải là liên minh mà Brüning mong muốn. Chỉ vì sự vươn dậy của Quốc Xã mà nền cộng hòa đi vào một khủng hoảng mới, và cũng qua đó hiến pháp cộng hòa bộc lộ thêm một điểm yếu cơ bản trong việc thực hiện dân chủ, ấy là điều khoản 48 đã nói ở trên.
Nhưng quan trọng hơn hết là sự bộc lộ cơ hội ngàn vàng cho Quốc Xã: họ đứng về khối nào thì khối đó sẽ nắm quyền đa số. Tất nhiên là trước mắt không có khối nào sẵn sàng đứng chung với Quốc Xã, nhưng các nhà chiến lược của họ đã nhanh chóng thay đổi đường lối đấu tranh. Từng bước họ từ bỏ khẩu hiệu „đập tan chế độ cộng hòa“ mà ngược lại họ len lỏi vào hệ thống để loại bỏ dần từng đối thủ một, mà trước hết và quan trọng nhất là đảng dân chủ xã hội. Điều này họ bộc lộ rõ rệt qua đòi hỏi yêu cầu chấm dứt liên minh SPD-Zentrum tại bang Phổ khi được Brüning đề cập đến thái độ „đối lập xây dựng“ trong chính sách ngoại giao với Pháp chung quanh vấn đề Versailles. Nói khác đi, họ tương kế tựu kế để đập tan chế độ cộng hòa bằng con đường hợp pháp ngay chính trong quốc hội cộng hòa.
Nền móng của Cộng hòa Weimar từ trước luôn luôn là phe dân chủ xã hội kết hợp với trung dung và chừng mực nào có cả một ít thành phần bảo thủ cánh hữu. Quốc Xã đã khôn ngoan chọn đúng điểm yếu này tại đúng thời điểm này để làm suy yếu chỗ dựa vững chắc của nền cộng hòa từ trước đến nay. Vết nứt này sẽ làm nền móng gãy đổ lúc nào không hay. Quốc Xã đã thành công bước đầu trên con đường phá hoại nền cộng hòa để nắm quyền lực.
Kể từ 1930, nước Đức không còn sống trong chế độ dân chủ mà họ dự kiến trước đây 10 năm. Những nội các sắp tới, từ Heinrich Brüning đến Franz von Papen cho đến Kurt von Schleicher, chỉ tồn tại dưới hình thức „nội các Tổng thống“, không được đa số quốc hội ủng hộ nhưng được ủy quyền bởi Tổng thống bằng đạo luật tình trạng khẩn cấp (theo điều 48 hiến pháp). Hoạt động của quốc hội gần như tê liệt. Nếu số ngày hội họp của quốc hội trong năm 1930 là 94 ngày thì đến 1932 chỉ còn 13. Nếu các đạo luật do quốc hội ban hành năm 1930 là 98 thì đến 1932 chỉ còn 5. Trong lúc đó số đạo luật được ban hành trong khuôn khổ „tình trạng khẩn cấp“ tăng vọt từ 5 lên 66. Chính tình trạng có vẻ „Tổng thống độc tài“ này là thức ăn béo bở cung cấp cho những lực lượng chính trị mới nổi lên sau này, nhất là Quốc Xã, tin chắc rằng nước Đức cần một chính phủ mạnh được điều khiển bởi một lãnh đạo (Führer) mạnh. Độc tài hay không đối với họ không thành vấn đề.
Cũng trong thời gian này, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc đại khủng hoảng thế giới. Sản xuất công nghiệp giảm 40% so với 1929, số người thất nghiệp lên đến 6 triệu tức 30% lực lượng lao động, đấy là chưa kể thất nghiệp bán phần. Xã hội hỗn loạn chưa từng có. Các cuộc khủng bố công khai trên đường phố đạt mức cao hơn năm 1923. Khi đạo luật cấm hai đội vũ trang SA và SS được rút lại ngày 14.6.1932, bạo hành càng gia tăng hơn đúng vào lúc các phe phái chạy đua tranh cử vào quốc hội cuối tháng 7.1932. Chỉ riêng trong bang Phổ, trong vòng 6 tuần tranh cử đã có 99 người chết và 1123 người bị thương liên quan đến hoạt động khủng bố của SA và SS.
Cuộc bầu cử ngày 31.7.1932 mang lại cho đảng Quốc Xã kết quả cao nhất từ trước, trở thành đảng phái lớn nhất trong quốc hội với 230 nghị viên, gần gấp đôi đảng lớn thứ nhì là SPD với 133 nghị viên. Con đường lên nắm quyền của Hitler chỉ còn là câu hỏi về thời gian. Không một nội các nào có thể đạt đa số trong quốc hội nếu không có sự tham gia của Quốc Xã. Ngày 3.12.1932 Tổng thống Hindenburg chỉ định Kurt von Schleicher làm Thủ tướng. Von Schleicher là vị tướng nổi danh có xu hướng chống cộng hòa và phục hồi chế độ quân chủ, ý thức hệ chừng mực nào rất gần với Quốc Xã. Nội các của Von Schleicher vẫn không đạt được đa số trong quốc hội.
Tổng thống Von Hindenburg, ở tuổi 85 và sức khỏe bắt đầu suy sụp, không muốn tiếp tục những nội các theo đạo luật tình trạng khẩn cấp. „Ông có vẻ muốn thiết lập trở lại chế độ dân chủ đại nghị sau gần ba năm thử nghiệm tình trạng khẩn cấp, ông đã bị suy yếu vì tranh chấp về vấn đề bang Preussen, lại thêm sự lo sợ sẽ bị truy tố về tội phá hoại hiến pháp khi kéo dài tình trạng khẩn cấp để có thể ủy quyền cho Von Schleicher làm Thủ tướng thiểu số“. Đúng vào lúc này thì Hitler đã có kế hoạch khác. Đảng Quốc Xã đã trở thành lực lượng mạnh nhất trong quốc hội, đang chờ thời cơ lên nắm quyền để triệt hạ hiến pháp cộng hòa bằng con đường hợp pháp.
Không như những lần chỉ định Thủ tướng từ trước, lần này Tổng thống Paul von Hindenburg phải xem xét tương quan lực lượng trong quốc hội và chỉ định người nào có thể đạt đa số trong quốc hội. Thật là bi thảm của lịch sử, chính Oskar von Hindenburg, con trai cuả Tổng thống, cùng với vị cựu Thủ tướng von Papen, người muốn trở lại quyền lực, là những người tích cực thu xếp các cuộc họp sau hậu trường, tạo ra một thế trận thích hợp ở các trung tâm quyền lực chung quanh Hindenburg để hình thành nên quyết định lịch sử của Tổng thống, một quyết định mà trước đó một tuần ông vẫn cương quyết từ chối
Trên đây là thông tin về cộng hòa Weimar mà Du học Aloha đã tổng hợp và gửi tới các bạn. Hy vọng qua nội dung trên bạn đọc sẽ hiểu hơn về giai đoạn lịch sử này của nước Đức
Có thể bạn quan tâm: